Sử dụng kỹ thuật Luminosity Masks trong hậu kỳ ảnh phong cảnh

Luminosity Masks là gì?

Luminosity Masks, còn được gọi là Mặt nạ Độ sáng, là một cách để tạo các lựa chọn tiên tiến trong Photoshop dựa trên các giá trị độ sáng.

Nhiếp ảnh là trò chơi ánh sáng, cái đó ai cũng đã từng được nghe. Và mọi thứ về ánh sáng mà máy ảnh thu nhận được được thể hiện trên histogram. Nhìn trên đó chúng ta có thể thấy được từng vùng sáng của bức ảnh, bao gồm:

  • Vùng Shadow – Vùng tối
  • Vùng Midtone – Vùng sáng trung bình
  • Vùng Highlight – Vùng sáng
Một bức ảnh phong cảnh cơ bản là đẹp khi mà nó đảm bảo được các vùng chuyển ánh sáng một cách mềm mại nhất có thể, tức là việc chuyển vùng từ Shadow lên Midtone và lên Highlight phải thật mềm mại không được quá gắt. Khi đó độ sâu của bức hình được đảm bảo tốt nhất. Tuy vậy không phải lúc nào chúng ta cũng chụp ngay được bức hình như vậy, do những điều kiện chênh sáng mạnh lúc hoàng hôn hay bình minh, kể cả khi dùng filter GND đôi khi cũng không đảm bảo được sự cân bằng trong ánh sáng và lấy được đầy đủ những chi tiết của khung hình. Khi đó Luminosity Masks sẽ là cứu cánh.

Luminosity Masks – hay có thể gọi cách khác là Luminance Masks – là những Masks (mặt nạ) giúp chúng ta lựa chọn được bất cứ một vùng sáng nào mình muốn, đó có thể là Mask của Shadow, của Midtone, của Highlight, và thậm chí là từng vùng đó được chia nhỏ hơn với nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ như Shadow chia ra làm 3 mức Shadow, từ vùng Shadow tối nhất đến vùng Shadow sáng nhất (Dark 1, Dark 2 và Dark 3). Nói ngắn gọn thì Luminosity Mask chính là những vùng:

  • Shadow (Dark 1, Dark 2 và Dark 3..);
  • Midtone (Midtone 1, Midtone 2, Midtone 3..)
  • Highlight (Highlight 1, Highlight 2, Highlight 3..)


Ví dụ minh hoạ bức ảnh của NAG Daniel Kordan​
Tại sao lại cần đến Luminosity Masks?
Để một bức ảnh phong cảnh đạt đến đỉnh cao, cảnh giới, đó phải là một bức ảnh hoàn hảo. Đó thường là những bức ảnh nhiều chi tiết, nội dung mang tính dữ dội từ tiền cảnh đến hậu cảnh. Một bức ảnh mà chỉ chụp duy nhất một toà nhà đơn điệu, hoặc một bức ảnh với bố cục mà 1/3 là một bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, trống trải, thường đó không phải là một bức ảnh phong cảnh hoàn hảo đúng nghĩa, đó có lẽ là một bức ảnh du lịch thì chính xác hơn. Chẳng phải thế mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp luôn phải chăng lều tại thực địa ăn chực nằm chờ cả tuần, thậm chí cả tháng chỉ để có một khoảnh khắc mây vần vũ, hay một cơn bão dữ dội kéo đến để lộ ra mặt trời đỏ rực đầy sống động. Luminosity Masks giúp ích được gì trong những hoàn cảnh đó?

Lựa chọn vùng sáng:

Để chụp được những bức ảnh như vậy, bạn sẽ phải lấy được gần như toàn bộ các chi tiết, từ Shadow đến Highlight. Bạn có thể sử dụng filter, nhưng thường là filter GND cũng không đảm bảo hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh. Khi đó chúng ta sẽ phải sử dụng HDR, và khi hậu kỳ phải dùng Luminosity Mask. Dùng Luminosity Mask sẽ chọn và kiểm soát được những vùng sáng khác nhau để điều chỉnh cho hợp lý. Tất nhiên những thao tác này ta phải thực hiện trong Photoshop. Những vùng chọn sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng đến những vùng còn lại.

Thường thì khi làm tôi chia nhỏ cấp độ vùng sáng ra nhiều hơn, mỗi vùng Shadows, Midtones và Highlights chia ra đến 6 cấp độ khác nhau chứ không chỉ 3 cấp độ (như Dark 1,2,3) như ở trên. Tuỳ vào từng điều kiện, bức ảnh, độ chênh sáng (EV) mà quyết định. Tất nhiên càng nhiều vùng chọn thì càng có nhiều lựa chọn cho việc brush các vùng sáng.


VD cơ bản về Luminosity Masks, chụp 3 tấm với các mức phơi sáng khác nhau
Kết quả cuối cùng:




Xem thêm ảnh trên Flickr của tôi ở đây.

Đảm bảo bức ảnh có chất lượng tốt nhất

Kể cả khi bạn sử dụng GND thì vẫn có những vùng tối mà bạn không thể lấy hết chi tiết, hoặc cả những vùng sáng. Để đảm bảo ảnh chất lượng tốt nhất thì những chi tiết đó vẫn phải giữ nguyên vẹn. Ví dụ như khi bạn chụp thành phố – cityscape trong điều kiện chênh sáng mạnh (giờ vàng – golden hour), đôi khi có những toà nhà cao tầng mà bạn có dùng GND Soft (mềm) để làm tối vùng trời (lúc hoàng hôn hay bình minh) cho nó cân bằng sáng với tiền cảnh, phần tiếp giáp giữa tiền cảnh và hậu cảnh vẫn có thể làm cho phần trên của toà nhà bị tối hơn so với phần thân nó, bức ảnh kém hoàn hảo đi trông thấy. Khi đó thay vì dùng GND hoặc vẫn dùng GND soft, chúng ta chụp nhiều bức để lấy được chi tiết vùng tối, và khi hậu kỳ sử dụng Luminosity Mask giữ được những chi tiết đó.

GND rất hữu dụng, nhưng nó có hạn chế cực lớn là hai vùng sáng tối của filter là cố định, chỉ có 2 hình chữ nhật với hai vùng xác định trên một chiếc filter. Chính vì vậy với điều kiện phức tạp, một khung hình nhiều chi tiết, chủ thể lộn xộn chồng chéo lên đường chân trời, GND sẽ bộc lộ rất rõ điểm yếu của nó.

Với Luminosity Masks và kết hợp với phương pháp chụp HDR nhiều tấm, bạn sẽ giữ được chi tiết tối đa tất cả các phần của khung hình. Thay vì chụp mất chi tiết và về nhà hậu kỳ kéo sáng lên và kết quả là noise tùm lum, bạn chỉ việc ghép phần tối đã chụp được đúng sáng trong phần hậu kỳ HDR của mình. Toàn bộ bức ảnh sẽ không hề có noise.

Kiểm soát được mức độ hiệu chỉnh

Với tôi Nhiếp ảnh gia có một điểm khá tương đồng với các hoạ sỹ, đó đều là những người vẽ ánh sáng. Với các hoạ sỹ họ dùng bút để vẽ các chi tiết trong bức tranh thì với nhiếp ảnh gia phong cảnh, họ phải dùng brush (cọ) để vẽ ánh sáng. Xin lưu ý là với môn nhiếp ảnh phong cảnh, brush là công cụ vô cùng quan trọng, bạn sẽ phải sử dụng brush rất rất nhiều khi hậu kỳ.

Với Luminosity Masks, chúng ta không chỉ lựa chọn được vùng sáng, mà còn quyết định được mức độ hiệu chỉnh của các vùng sáng đó. Bạn chọn được vùng sáng, dùng Brush mềm với opacity thích hợp để điều chỉnh độ sáng – exposure và tone màu theo ý mình, tức là những nét vẽ điều chỉnh sẽ có lớn có nhỏ, có đậm có nhạt.



Chụp ở Langkawi – Malaysia. Ảnh: Anlephotography​
Đảm bảo bức ảnh chuyển vùng thật mềm mại

Khi chưa biết nhiều đến Luminosity Masks, nhiều người mới chỉ sử dụng Lightroom cho hầu hết các bước chỉnh sáng, màu, và thêm một chút ở Photoshop. Nhưng hạn chế của Lightroom hay Photoshop mà bạn chưa biết đến Luminosity Masks là bạn chỉ chọn được các vùng đơn thuần Shadows, Midtones hay Highlights. Những vùng này lại quá rộng và ngay trong nội bộ từng vùng này cũng là một dải sáng rất rộng nữa rồi. Chính vì vậy chỉ chọn đơn thuần 3 vùng đó, bức ảnh của bạn sẽ rất khó chuyển vùng thật mềm mại và thực sự tự nhiên, kết quả đương nhiên là ảnh sẽ gắt, hoặc over-saturation, over-clarity (quá rực hoặc quá gắt). Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra điều này, bạn cần phải xem ảnh thật nhiều, nhất là ảnh của những Nhiếp ảnh gia nổi tiếng để thấy bức ảnh của họ mềm mại, nuột nà và tự nhiên đến thế nào. Sẽ mất một thời gian chơi, xem ảnh để bạn có một con mắt tốt nhận biết ảnh nào là ảnh thực sự “đẹp”.

Với Luminosity Masks, vùng sáng dù là nhỏ nhất bạn cũng có thể lựa chọn và hiệu chỉnh, do đó các vùng chuyển sẽ gần nhau hơn, mềm mại và tự nhiên hơn. Vùng chuyển giao, tiếp giáp giữa Shadows và Midtones sẽ không đơn thuần là 2 vùng ấy, mà chúng ta sẽ làm việc trên vùng Dark 1, vùng sáng nhất trong vùng tối, tiệm cận với vùng Midtones 3, vùng tối nhất trong vùng Midtone.



Chụp ở Uluwatu – Bali

Kết luận

Luminosity Masks thực sự rất phổ biến trong giới nhiếp ảnh phong cảnh, và nó rất hữu dụng với mỗi chúng ta. Nó có thể được gọi là công cụ thực sự để mỗi nhiếp ảnh gia đạt đến “cảnh giới” trong việc chụp – hậu kỳ ảnh phong cảnh của mình. Khi nhận ra bức ảnh mình chụp thiếu chiều sâu và chỉ là một mặt phẳng tẻ nhạt, các vùng sáng chồng chéo chuyển màu không mượt, hãy thử với Luminosity Masks xem sao!

Nguồn: travelpx
 
  • Like
Reactions: TAH
Back
Bên trên