Tin tức Top 10 thương hiệu làm mới logo 2021

Làm mới logo hay tái thiết kế logo dựa trên nền tảng sẵn có, đều là những thách thức buộc đội ngũ xây dựng hình ảnh thương hiệu phải có những tính toán cẩn trọng và hiệu quả.

Thiết kế logo là tín hiệu nhận diện đầu tiên cho bất cứ ai có được trải nghiệm với thương hiệu. Thiết kế logo còn là đại sứ cho mọi thương hiệu về mặt hình ảnh, làm nên tính hiệu quả trong mọi chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu.

top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-11.jpg


Top 10 thương hiệu làm mới logo 2021

Đó chỉ mới là hai trong số hàng loạt vai trò thực tiễn của thiết kế logo thời hiện đại. Giữa thực trạng không ít hạng mục trong bộ nhận diện thương hiệu có cũng như không, vai trò chỉ ở mức “ốc còn không mang nổi mình ốc.” Nhưng vẫn liên tục được tư vấn và cài cắm vào trong hợp đồng bởi những nhà cung cấp thiếu uy tín.

Thiết kế logo đã một lần nữa nổi bật lên trên tất cả. Trở thành yếu tố nhận diện không thể thiếu và khiến nhiều thương hiệu khổng lồ phải chi tiền tấn đầu tư.

Giống như câu chuyện về làm mới logo mới đây của Xiaomi. Khi thương hiệu xứ Trung đã tiêu tốn hơn 2 triệu Nhân Dân Tệ (khoảng 7 tỷ VNĐ) chỉ để logo cũ được “bo cong đúng chỗ.” Nhưng Xiaomi cũng không hề cô đơn trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây.

Bên dưới là top 10 thương hiệu nổi tiếng đã đầu tư vào quy trình làm mới logo, bài viết có sử dụng tư liệu đến từ AvibeWeb. Xin chân thành cảm ơn tập thể đội ngũ và hy vọng rằng, chúng ta sẽ cùng nhau lan toả nguồn cảm hứng đến từ những giá trị vàng của thiết kế logo thương hiệu.

Cách làm mới logo của GoDaddy
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-1-1.jpg


GoDaddy là một thương hiệu gắn liền với các dịch vụ website từ cơ bản đến nâng cao. Thành lập vào năm 1997 và đặt trụ sở tại Arizona, Hoa Kỳ. Tính đến đầu năm 2019, GoDaddy đã có khoảng 18,5 triệu khách hàng và hơn 9000 nhân viên trên toàn cầu.

Nhưng cũng từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, GoDaddy chưa một lần làm mới logo của họ. Trong lần “tái thiết” này, thương hiệu nước Mỹ đã dũng cảm từ bỏ màu xanh chủ đạo quen thuộc. Giảm bớt độ dày phông chữ và có thêm biểu trưng hoàn toàn mới.

GoDaddy cũng đã đặt tên cho thiết kế thương hiệu mới là Go. Với hàm ý trao quyền định hướng mọi kế hoạch kinh doanh vào tay mỗi khách hàng. Hai chữ G và O cũng được biến tấu lại để khéo léo lồng ghép vào nhau, tạo nên một biểu trưng hình trái tim đầy ý nghĩa.

Cách làm mới logo của Adobe Creative Cloud
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-2-1.jpg


Adobe Creative Cloud là phần mềm quản lý mọi ứng dụng của Adobe trên nền tảng đám mây. Không chỉ cho phép người dùng đơn giản hoá quy trình quản lý ứng dụng, truy cập vào kho lưu trữ sáng tạo Adobe Stock.

Phần mềm còn tạo điều kiện cho hàng triệu designer kết nối với nhau qua hai giao thức phổ biến nhất, bao gồm Behance và Adobe Portfolio. Adobe Creative Cloud hiện đang quản lý hơn 20 ứng dụng con có thể kể tên như InDesign, Lightroom, Photoshop, Premium Pro,…

Trong lần làm mới logo thương hiệu này, Adobe Creative Cloud đã được cởi bỏ sắc đỏ chủ đạo quen thuộc. Thay vào đó là sự xuất hiện của đa dạng sắc màu, mà theo đại diện từ phía Adobe là hãng đã được truyền cảm hứng bởi Instagram hay iTunes.

Sự pha trộn màu sắc linh hoạt này cũng dễ dàng bắt gặp trên thiết kế logo mới của các ứng dụng Adobe khác, như Adobe Photoshop hay Adobe Illustrator.

Cách làm mới logo của Slack
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-3.jpg


Slack là một công cụ quản lý và trao đổi công việc trong tập thể đội nhóm, phòng ban hay cả doanh nghiệp. Cũng giống như Trello, Notion hay Google Drive, Slack có thể đảm bảo mạch làm việc xuyên suốt trên nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau. Từ Windows, MacOS cho đến các thiết bị di động.

Slack vừa làm mới logo của họ vào cuối năm 2019. Trước khi làm mới logo thương hiệu, Slack đã không có được tính nhất quán trong tổng thể bộ nhận diện thương hiệu nói chung.

Họ có sẵn một thiết kế logo ngay từ đầu, nhưng đồng thời sử dụng một phiên bản thiết kế khác trên nền tảng ứng dụng. Lần này, Slack muốn lấy lại sự thống nhất cũng như đảm bảo tính liên kết bền vững hơn.

Thiết kế mới của logo thương hiệu được tinh chỉnh lại từ biểu trưng dấu thăng. Thay thế bằng hình ảnh của những viên thuốc và bong bóng hội thoại.

Trong đó viên thuốc đại diện cho giải pháp mà Slack mang đến, còn những bong bóng hội thoại chính là hình ảnh biểu tượng của dịch vụ và sản phẩm Slack đang cung cấp.

Cách làm mới logo của Intel
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-4.jpg


Intel là một trong số rất ít các công ty sản xuất chip bán dẫn, có thể vừa thiết kế vừa sản xuất ra những sản phẩm cụ thể.

Giai đoạn từ cuối năm 2019 trở lại đây, thương hiệu Intel đã bắt đầu đi theo một định hướng mới. Khởi nguồn từ việc cải tạo mạnh mẽ bộ máy lãnh đạo, giúp vị thế công ty được nâng lên tầm cao mới.

Tính đến đầu năm 2020, đã là tròn 14 năm kể từ lần cuối Intel làm mới logo thương hiệu của mình. Ở thiết kế mới đây vừa được giới thiệu, Intel đã mạnh dạn loại bỏ đường viền hình cánh cung quen thuộc – với mong muốn đơn giản và hiện đại hoá thiết kế logo.

Phông chữ cũng được làm mới khi được thay thế bằng bộ phông tròn trịa hơn, hiện đại hơn. Toàn bộ chữ Intel khoác lên mình màu đen tuyền sang trọng, trừ dấu chấm trên đầu chữ i vẫn giữ lại màu xanh quen thuộc. Như lời khẳng định cho chất lượng của bộ vi xử lý mà hãng đang cung cấp.

Cách làm mới logo của BMW
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-5.jpg


BMW là thương hiệu xe Đức theo đuổi và ưu tiên trải nghiệm của người cầm lái. Đúng như tôn chỉ “driving pleasure” mà BMW vẫn luôn ghi nhớ, thương hiệu này không ngừng thay đổi và làm mới để mang lại niềm cảm hứng phía sau tay lái cho khách hàng.

Lần gần nhất BMW làm mới logo thương hiệu là vào năm 1997, khi cho thêm một đường vát mảnh vào trong thiết kế sẵn có. Trong lần tái thiết kế logo này, BMW hướng đến tương lai ứng dụng kỹ thuật số mạnh mẽ hơn.

Bằng cách sử dụng tông màu trong suốt cho phần đường viền phía ngoài cùng, nơi xuất hiện dòng chữ BMW quen thuộc. Chữ BMW cũng có các chữ cái M và W không cùng một độ cao, phông chữ cũng được thu nhỏ lại làm gợi nhớ đến thiết kế logo của năm 1917.

Cách làm mới logo của Toyota
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-6.jpg


Năm 2020 cùng việc chạy theo xu hướng thay đổi thiết kế logo của nền công nghiệp ô tô. Toyota còn phải đối mặt với một vấn đề khác, hệ thống hỗ trợ an toàn Toyota Safety Sense mới sử dụng radar đặt ẩn sau logo gắn theo xe.

Chính vì vậy thương hiệu xe đến từ Nhật Bản phải nghiên cứu và thay đổi. Từ thiết kế logo 3D nổi khối ban đầu trở thành thiết kế phẳng – tạo điều kiện cho luồng sóng radar được hoạt động hiệu quả và chính xác nhất.

Theo đuổi triết lý đơn giản và hiện đại hoá tương tự BMW, Toyota làm mới logo để trở về phiên bản 2D và khoác cho nó màu sơn đen sang trọng.

Điều đặc biệt là thiết kế này chỉ sử dụng khi sản xuất logo gắn xe, còn thiết kế logo cũ vốn đã quen thuộc với khách hàng trung thành vẫn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thương hiệu.

Cách làm mới logo của Nissan
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-7.jpg


Nhắc đến Toyota nói riêng hay sự bảo thủ của thương hiệu xe Nhật nói chung, mà quên gọi tên Nissan thì sẽ là một “thiếu sót” vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên Nissan trong vài năm gần đây cũng đã bắt đầu thay đổi, không ngừng sáng tạo cả về thiết kế sản phẩm lẫn hình ảnh thương hiệu.

Thay cho thiết kế logo cũ với hình dáng tương tự một chiếc ổ khoá, tạo cảm giác tiêu cực giống như đang bị kiềm hãm và hạn chế năng lực sáng tạo. Lần này thiết kế logo mới của Nissan đã trở nên hiện đại hơn, phóng khoáng hơn với hai đầu mỗi bên lấy hình ảnh của một đoạn mạch hở.

Phó chủ tịch Nissan đã chia sẻ rằng: “Nguồn cảm hứng lần này đến từ khoa học kỹ thuật mà đặc biệt là công nghệ và sự kết nối. Vốn là xu hướng mà chúng tôi thấy rằng nhiều thương hiệu đối thủ khác cũng đang theo đuổi.”

Cách làm mới logo của Popeyes
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-8.jpg


Trong một thế giới mà thức ăn nhanh đang không ngừng lên ngôi, những chiếc burger và đùi gà rán xuất hiện ở khắp mọi nơi, sẽ rất khó để thương hiệu có thể vươn mình khi bản thân hình ảnh thương hiệu không quá nổi bật so với các đối thủ.

Popeyes đang muốn vươn vòi rồng của mình để phủ sóng đến rộng khắp toàn cầu. Trước đó họ muốn bắt đầu thay đổi từ những điều cơ bản nhất, như làm mới logo thương hiệu chẳng hạn. Màu cam hạt dẻ xưa cũ đã được thay thế bởi màu vàng cam nổi bật.

Bên cạnh đó, hai biểu tượng Fleur de Lis cổ điển cũng đã được lược bỏ đi trong quá trình làm mới logo. Điều này đồng thời tuân thủ định hướng hoàn toàn mới mà Popeyes đang theo đuổi, với tên gọi “Chiến dịch phục hưng của một Popeyes hiện đại.”

Chữ P quen thuộc cũng đã được thay thế bởi một chú gà trống cách điệu, mang đến cảm giác thân thiện và gần gũi hơn với đại chúng. Popeyes cũng ứng dụng thiết kế logo mới này trên toàn bộ bao bì, bộ nhận diện và các phương tiện truyền thông của họ.

Cách làm mới logo của Burger King
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-9.jpg


Burger King vừa mới “đại tu” ngoạn mục bộ nhận diện thương hiệu sau hơn 20 năm, và có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh mới mẻ này của họ trong nhiều năm tới.

Tuy khác xa so với thiết kế logo mà tất cả chúng ta đều đã rất quen thuộc. Nhưng bản thiết kế logo mới làm gợi nhớ đến thiết kế của năm 1994, hay xa hơn nữa là vào năm 1964. Đi ngược với xu thế, Burger King quay lại sử dụng nhóm màu sắc mang thiên hướng hoài cổ.

Màu vàng, đỏ hay xanh quen thuộc đã được thay thể bởi hai màu sắc thuộc tông màu đất. Mang đến cái nhìn trung tính phù hợp với phông chữ cũng vừa được làm mới. Không ngả nghiêng như trong thiết kế cũ, tạo hình phông chữ mới trực quan hơn và thể hiện rõ ý đồ của một thương hiệu lớn trong ngành F&B.

Cách làm mới logo của Smucker’s
top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021-10.jpg


Đã không còn là một cửa hàng bán mứt trái cây đơn thuần. Trong vài năm gần đây dưới sự bảo trợ của công ty mẹ Smucker’s, thương hiệu cùng tên đã phát triển lên để trở thành một nhà phân phối sản phẩm.

Ban lãnh đạo Smucker’s muốn làm mới logo thông qua thay thế hình ảnh những thứ quả chín mọng, bằng những shape hình có phần trừu tượng hơn nhưng vẫn thể hiện rõ giá trị thương hiệu. Để người tiêu dùng vẫn còn nhớ được rằng, xuất phát điểm của họ chỉ là một cơ sở kinh doanh mứt trái cây ngày nào.

Cũng giống như phần lớn các thương hiệu danh tiếng khác, Smucker’s gần như ngay lập tức ứng dụng thiết kế logo mới vào trong mọi sản phẩm nhận diện thương hiệu khác.

Lời kết
Hầu hết các thương hiệu lớn đều đã dùng chung một hướng tiếp cận, trong quá trình tái thiết nhận diện và làm mới logo. Đó là hướng đến ngôn ngữ thiết kế phẳng, tinh gọn các chi tiết và sử dụng tông màu hiện đại hoặc gắn liền với bản sắc thương hiệu.

Dĩ nhiên mỗi thương hiệu đều có những định hướng hay cách tiếp cận của riêng mình. Nhưng top 10 thiết kế logo mới bên trên chính là những lời gợi ý trọn vẹn nhất, nếu doanh nghiệp của bạn đang chuẩn bị bắt đầu cho quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Nguồn bài viết: https://vudigital.co/top-10-thuong-hieu-lam-moi-logo-2021.html
 
Back
Bên trên